Co thắt tâm vị là một bệnh lý hiếm gặp ở thực quản, bệnh có thể do di truyền hoặc do hệ miễn dịch của cơ thể bị tấn công. Bệnh lý gây ra những biến chứng nguy hiểm và mang tới rất nhiều phiền toái trong cuộc sống, công việc của bệnh nhân. Vậy co thắt tâm vị là gì? Nguyên nhân và cách điều trị co thắt tâm vị như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây để tìm được lời giải đáp.
Tìm hiểu chung về co thắt tâm vị
Tâm vị là gì
Tâm vị là phần nối dạ dày và thực quản, có diện tích khoảng 5 – 6 cm2. Tâm vị không có van đóng mở, mà có lỗ thông từ ống thực quản xuống dạ dày, nếp nhăn niêm mạc ở tâm vị là điểm ngăn cách, phân biệt hai cơ quan của hệ tiêu hóa.
Co thắt tâm vị là gì?
Co thắt tâm vị (tên khoa học là Achalasia) được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như co thắt thực quản, giãn thực quản không căn nguyên, giãn thực quản bẩm sinh, co thắt hoành tâm vị… Đây là một bệnh lý liên quan đến rối loạn hoạt động ở thực quản, cụ thể là các vận động của nhu động. Ở người bị co thắt tâm vị, các cơ co thắt ở thực quản mất co dãn và nhu động gần như không còn. Những rối loạn vận động ở thực quản, khiến thức ăn khó đẩy xuống dạ dày hơn, gây hiện tượng tắc nghẽn, co thắt tâm vị nuốt nghẹn.
Theo quy trình tiêu hóa bình thường, sau khi nuốt thức ăn, phần trên thực quản đóng lại tạo phản xạ mở phần dưới. Phản xạ đóng – mở này cho phép thức ăn đi theo nhu động của thực quản xuống dạ dày. Hoạt động đóng mở của thực quản được điều khiển bởi dây thần kinh X. Khi xuất hiện các vấn đề làm tổn thương hệ thần kinh trung ương hay dây thần kinh X, quá trình hoạt động thông thường của thực quản sẽ bị biến đổi, không tuân theo quy luật.
Theo thống kê, những người từ 30 – 50 tuổi có nguy cơ bị bệnh co thắt tâm vị dạ dày cao hơn so với người ở nhóm tuổi khác. Người thường lo âu, hay xúc động hoặc có thói quen ăn vội sẽ dễ mắc phải bệnh lý này. Trong các bệnh lý về thực quản, đây là bệnh lý phổ biến thứ hai chỉ sau ung thư thực quản.
Nguyên nhân gây co thắt tâm vị
Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu xác đáng chỉ ra nguyên nhân gây bệnh co thắt tâm vị, do đó căn nguyên tạo ra vấn đề bệnh lý này vẫn chưa rõ ràng. Có lẽ cũng chính vì điều này, một trong những tên gọi khác của bệnh co thắt tâm vị là giãn thực quản không căn nguyên.
Tình trạng rối loạn vận động thực quản gây ra hiện tượng giãn cơ không đồng đều, theo đó, đoạn trên của thực quản giãn nở, phình to ra, trong khi đó, đoạn cuối lại bị co thắt và thu hẹp lại. Quá trình giãn cơ không đầy đủ này làm gián đoạn việc đẩy thức ăn xuống dạ dày.
Một số chuyên gia cho rằng, các yếu tố như bệnh tự miễn, đặc điểm cơ địa với các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh như dễ xúc cảm, cường hệ phó giao cảm…; bị bệnh nhiễm trùng cấp tính hay mãn tính và các bệnh về nội tiết, ung thư thực quản đểu có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra, bệnh lý có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình, có người thân là cha mẹ, ông bà có tiền sử mắc bệnh lý này, các thế hệ sau có nguy cơ bị co thắt tâm vị cao hơn người bình thường.
Chế độ ăn uống không hợp lý: có nhiều glucid, hàm lượng protid thấp và thiếu vitamin nhóm B, hoặc lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích có trong thuốc lá, thói quen sử dụng đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh (làm co thắt tâm vị đột ngột, nếu kéo dài sẽ thành bệnh).
Triệu chứng co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị là bệnh lý lành tính, tuy nhiên hoàn toàn có thể tái phát và kéo dài quá nhiều tháng thậm chí là cả năm. Bệnh lý với những biểu hiện đa dạng, dễ nhận biết, bao gồm:
- Nuốt khó, nuốt nghẹn: hiện tượng này thường xuyên xảy ra với cả thức ăn cứng, đặc hay thức ăn lỏng, thậm chí, ở người bị nặng, ngay cả khi uống nước cũng cảm thấy nghẹn tức, như có vật nghẹn lại ở ngực. Cụ thể, có đến hơn 30% người bị co thắt tâm vị cảm thấy khó nuốt hay bị nghẹn khi ăn các thức ăn đặc.
- Buồn nôn hay nôn: đây là triệu chứng bệnh phổ biến, xảy ra ở 60% – 90% người mắc bệnh lý này. Sau khi ăn xong hay khi nằm nghiêng cảm giác này càng trở nên rõ rệt.
- Tức lồng ngực, đau ngực: cơn đau xuất hiện ở ngay vùng xương ức, thường gặp sau khi ăn xong.
- Ợ hoặc ọe thức ăn: do thức ăn bị nghẽn tắc lại ở đầu co giãn phía trên của thực quản, không thể đẩy xuống phần còn lại của ống tiêu hóa. Phần thức ăn bị nghẽn lại trào ngược lên họng gây hiện tượng ọe. Tình trạng giãn thực quản càng trở nên nghiêm trọng, hiện tượng nôn, ọe xuất hiện thường xuyên hơn.
Co thắt tâm vị gây ra biến chứng gì?
Người mắc phải bệnh lý này, nếu không điều trị kịp thời, hiệu quả sẽ gặp phải một số biến chứng đe dọa đến sức khỏe như:
- Sút cân, suy dinh dưỡng: người bị co thắt tâm vị thường xuyên bị nôn, thức ăn nạp vào chữa được tiêu hóa hay hấp thụ đã bị nôn ra ngoài, khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng kéo dài, không được cải thiện sẽ gây ra hệ quả cơ thể bị thiếu chất, suy dinh dưỡng và sút cân đáng kể.
- Viêm loét thực quản: do thức ăn bị ứ đọng lâu tại thực quản, không được tiêu hóa và lên men – đây là điều kiện hoàn hảo để vi khuẩn sinh sôi và làm tổn thương các tế bào ở thực quản, từ đó làm hình thành các ổ viêm loét, nặng hơn là nhiễm trùng.
- Nguy cơ bị tắc khi quản cấp: thức ăn bị trào ngược hay nôn ọe có thể chắn khí quản, gây ngạt thở hoặc gây đột tử do phản xạ tim mạch hây dây thần kinh X.
- Nguy cơ bị ung thư thực quản: người bị co thắt tâm vị có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn. Theo số liệu thống kê, 9% người từng mắc bệnh lý này được chẩn đoán bị ung thư thực quản.
Chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị
Để điều trị bệnh hiệu quả và tạm biệt bệnh lý, trước nhất, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán tình trạng bệnh lý một cách chính xác nhất. Hiện nay, các cơ sở y tế vận dụng những phương pháp sau trong chẩn đoán:
Chụp X-quang thực quản có cản quang
Tại sao lại cần chụp X-quang có cản quang mà không phải chụp X-quang thông thường? Khi thực hiện phương pháp khám bệnh này, bệnh nhân sẽ được dùng chất phản quang. Chụp X-quang phản ánh hình dạng thực tế của dạ dày, thực quản ở thời điểm thăm khám, đồng thời cho phép tính toán được thời gian di chuyển chất cản quang từ thực quản xuống dạ dày.
Theo đó, người bị bệnh có thực quản dạng mỏ chim, do cơ thắt thực quản dưới co lại làm hẹp thực quản. Không chỉ vậy, từ hình ảnh phim chụp, các bác sĩ có thể nhận thấy túi thừa trên cơ hoành của người bệnh.
Nội soi thực quản dạ dày
Nội soi là phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh về đường tiêu hóa. Nội soi cho hình ảnh chính xác, rõ nét về tình trạng thực tế của người bệnh. Nội soi thực quản dạ dày thực hiện nhanh chóng chỉ mất khoảng từ 10 – 15 phút. Ống nội soi có kích thước nhỏ, được làm từ chất liệu mềm để dễ dàng đi vào ống tiêu hóa mà không gây cảm giác khó chịu. Trước khi thực hiện thủ thuật, các kỹ thuật viên sẽ xịt chất gây tê vào họng giúp bệnh nhân bớt cảm giác khó chịu khi thăm khám.
Ống nội soi có gắn camera ở đầu, ghi lại hình ảnh ống tiêu hóa và tình trạng co thắt tâm vị, giúp các bác sĩ có được quan sát chính xác nhất để đưa ra chẩn đoán.
Đo áp lực trong thực quản dạ dày
Phương pháp này như một thử nghiệm giúp đo lường khả năng hoạt động của thực quản. Áp lực thực quản được tạo ra do các cử động co cơ, hoạt động của nhu động khi nuốt thức ăn. Với người bị co thắt tâm vị dạ dày, chức năng thực quản hoạt động không bình thường, việc đo lường áp lực thực quản dạ dày giúp các chuyên gia đánh giá được tình trạng bệnh lý co thắt tâm vị một cách chính xác nhất.
Cách thực hiện: các kỹ thuật viên sẽ sử dụng một ống mỏng, dẻo đi từ mũi vào thực quản vào dạ dày. Khác với phương pháp nội soi, ống nội soi có thể đi vào từ đường mũi và đường miệng, thì ở phương pháp chẩn đoán này, ống đo sẽ chỉ được đưa vào từ đường mũi, bởi trong quá trình thăm khám, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các cử động nuốt.
Khi ống thông hoàn toàn được đưa vào thực quản, bệnh nhân cần nằm yên và uống từng ngụm nước nhỏ theo yêu cầu. Cùng lúc đó, một máy tính có kết nối với ống thông đo và hiển thị kết quả các chỉ số áp lực của cơ co thắt thực quản. Ống thông còn được di chuyển xuống dạ dày để tiếp tục đo lường áp lực.
Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân vẫn có thể thở như bình thường. Cả quá trình thăm khám co thắt tâm vị bằng phương pháp đo áp lực dạ diễn ra trong khoảng 30 phút. Bệnh nhân chú ý thực hiện theo yêu cầu của kỹ thuật viên, không nên quá lo lắng, hồi hộp hay lo sợ.
Điều trị co thắt tâm vị
Tiêm botulinum toxin điều trị co thắt tâm vị
Botulinum được biết đến là một loại độc tố có khả năng gây chết người, nhưng lại có giá trị dược học, được sử dụng trong điều trị bệnh dạ dày. Botulinum được sinh ra từ vi khuẩn Clostridium Botulinum và có bảy loại tất cả, được đặt tên A-G. Trong đó Botulinum loại A và B được sử dụng phổ biến trong y học.
Botulinum Toxin hay còn được gọi tắt là botox – nếu sử dụng quá mức sẽ gây hiện tượng ngộ độc, hoạt chất này thường có nhiều trong các loại đồ ăn đóng hộp. Tùy theo mức độ hấp thụ vào cơ thể, khi bị ngộ độc, cơ thể sẽ diễn tiến đến tình trạng liệt cơ – tác dụng này được phát hiện và được ứng dụng trong nghiên cứu điều trị các bệnh về cơ co thắt quá mức – trong đó có bệnh lý co thắt tâm vị dạ dày.
Tiêm Botulinum toxin giúp làm thư giãn các cơ co thắt ở thực quản, từ đó cải thiện tình trạng tắc nghẽn thức ăn, co thắt tâm vị.
Mở co thắt tâm vị
Đây là phương pháp điều trị co thắt tâm vị hiện đại và mới được áp dụng trong vài năm trở lại đây. Trước đó, phương pháp nong thực quản bằng bóng hơi được sử dụng phổ biến, do dễ thực hiện và tốn ít chi phí hơn. Tuy nhiên, nong thực quản yêu cầu thực hiện nhiều lần, lại kèm theo nhiều rủi ro như viêm phế quản, chảy máu, đau tức ngực…
Mở co thắt tâm vị được thực hiện nội soi, đòi hỏi người thực hiện phải có năng lực và có kỹ thuật cao. Khi thực hiện phương pháp này các bác sĩ sẽ thực hiện một đường cắt nhỏ ở đoạn dưới ⅓ của thực quản và tiếp tục đi xuống và cắt đứt cơ thắt dưới thực quản. Mổ nội soi ít xâm lấn, giảm nguy cơ viêm nhiễm, không phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như phương pháp mổ thông thường, thời gian phục hồi cũng nhanh hơn.
Phẫu thuật cắt cơ vòng dưới thực quản
Phẫu thuật này sẽ cắt đứt cơ vòng ở ngay dưới thực quản. Khi đó, đầu dưới thực quản sẽ chịu ít áp lực hơn do không còn chịu tác động từ cơ vòng dưới nữa. Có hai phương pháp phẫu thuật cắt cơ vòng thực quản trên là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật POEM – nội soi ngã bụng và nội soi qua ngã miệng.
Với phương pháp nội soi thông thường, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân co thắt tâm vị thường gặp phải triệu chứng trào ngược. Triệu chứng này tiếp tục điều trị bằng một số phương pháp khác nhau.
Với phẫu thuật POEM, giúp cắt cơ vòng dưới thực quản mà không gây ra trào ngược hậu phẫu. Nhờ đó, quá trình điều trị hậu phẫu ít phức tạp hơn. Đồng thời, tỉ lệ thành công của phương pháp này có thể lên đến hơn 90%.
Cắt thực quản
Với trường hợp bệnh co thắt tâm vị diễn tiến nặng và không điều trị thành công bằng những phương pháp kể trên, cắt thực quản sẽ được ứng dụng. Cụ thể, phần thực quản giãn to quá mức, không thể phục hồi sẽ được cắt bỏ. Lúc này thực quản bị cắt bỏ một phần nhưng vẫn đảm bảo chức năng tiêu hóa.
Thuốc chữa bệnh co thắt tâm vị
Trong điều trị co thắt tâm vị, người bệnh không đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp trên hoặc ở giai đoạn đầu sẽ được chỉ định dùng thuốc. Thuốc chữa bệnh co thắt tâm vị được sử dụng chủ yếu là các loại có khả năng ức chế canxi hay còn gọi là thuốc chẹn canxi.
Như chúng ta đã biết, canxi là chất không thể thiếu để các cơ co bóp, hoạt động. Sử dụng các loại thuốc chẹn canxi giúp hạn chế cơ co bóp, giảm nhu cầu canxi ở các tế bào, từ đó giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Lưu ý phòng ngừa bệnh co thắt tâm vị dạ dày
Co thắt tâm vị dạ dày là bệnh lý lành tính nhưng lại gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, mọi người nên chủ động phòng ngừa bệnh lý này bằng các thực hiện những thói quen đơn giản này:
- Ăn uống khoa học, điều độ, tránh ăn quá nhanh hay quá no.
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp cho chế độ ăn hàng ngày. Không nên thường xuyên sử dụng quá nhiều đồ ăn khô, cứng trong một bữa.
- Kiểm tra, thăm khám sức khỏe định kỳ, vừa để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa vừa giúp ngăn ngừa các bệnh lý khác.
Kết luận
Mong rằng những thông tin chuyên gia Vitos chia sẻ trên đây sẽ mang đến cho bạn đọc thông tin hữu ích và giá trị về bệnh lý co thắt tâm vị. Hi vọng từ những kiến thức đó các bạn có thể nhận biết được dấu hiệu của bệnh và lựa chọn được phương pháp điều trj thích hợp với bản thân. Chúc bạn nhanh chóng khỏi bệnh!